Yêu hay ngỡ là yêu
Tình yêu có thể khiến một hiệp sĩ trở thành thi sĩ, trên con đường đến với nàng, chàng mơ màng cùng những đám mây ỡm ờ bối rối, hồn hát lên cùng những vòm cây rung rinh tiếng nhạc, lòng xốn xang cùng những khóm hoa rùng mình lay chuyển, tim nổi sóng cồn cùng mặt hồ man mác chiều xao xuyến- đột nhiên miệng chàng thổn thức nói những lời mọc cánh. Bỗng chốc chàng trở thành thi sĩ của tình yêu !
Tình yêu có thể khiến một con người nhút nhát trở thành hiệp sĩ can trường, khi nàng gặp hiểm nguy, mặc những bức tường thành cao vòi vọi, mặc những tháp canh tua tủa cung tên giáo mác, chàng xả thân băng vào để cứu lấy nàng.
Tình yêu là gì mà có phép mầu đến vậy? Chúng ta hãy thứ lắng nghe lời thổn thức của triết gia Túp-pơ:
Tình yêu- là pho sách đọng trong một lời
là đại dương tràn trong giọt lệ
là cửa thiên đường trong ánh mắt
là xoáy lốc trong hơi thở
là chớp giật trong làn da chạm khẽ
là thiên thu trong một thoáng thời gian
là đại dương tràn trong giọt lệ
là cửa thiên đường trong ánh mắt
là xoáy lốc trong hơi thở
là chớp giật trong làn da chạm khẽ
là thiên thu trong một thoáng thời gian
Tình yêu có sức mạnh thật diệu kỳ! Diệu kỳ đến mức, có không biết bao nhiêu triết gia, thi sĩ, nghệ sĩ trên đời ca tụng tình yêu như thần thánh, như Thiên đường, như giấc mộng khao khát tột cùng. Ở đời cái gì có thể sánh với tình yêu? Chúng ta thử nghe Bailey so sánh:
Đừng hỏi tôi tình yêu là gì ?
Hãy hỏi cái hoàn hảo của Chúa trên cao
Hãy hỏi mặt trời về ánh sáng
Hãy hỏi đêm đen sao mà thăm thẳm
Hãy hỏi tội lỗi về lòng khát bị dung
Hãy hỏi Thiên đường thế nào là hạnh phúc
Hãy hỏi nụ hôn vị ngọt nhường bao
Hãy hỏi sắc đẹp làm sao quyến rũ
Hãy hỏi cái hoàn hảo của Chúa trên cao
Hãy hỏi mặt trời về ánh sáng
Hãy hỏi đêm đen sao mà thăm thẳm
Hãy hỏi tội lỗi về lòng khát bị dung
Hãy hỏi Thiên đường thế nào là hạnh phúc
Hãy hỏi nụ hôn vị ngọt nhường bao
Hãy hỏi sắc đẹp làm sao quyến rũ
Tình yêu thật đáng khát khao! Đó là sức mạnh huyền nhiệm thánh hóa con người ngay trên cát bụi trần gian, vì thế đâu đâu người ta cũng nói về tình yêu: người trẻ nói yêu, người già nói yêu, người chưa yêu nói yêu, người yêu rồi nói yêu, người hạnh phúc nói yêu, người bất hạnh nói yêu... Nhưng trớ trêu thay! tại sao người ta lại khát yêu là vậy, mà mới đây chính phủ Đức lại rung chuông báo động nguy cấp về nạn gần chục triệu trái tim khóa trái khát vọng yêu - quay về mình thủ thế đòi sống cô đơn thui thủi; còn người Pháp rung chuông báo động về nạn một phần ba số trẻ em chào đời không được chào đón trong ánh mắt của tình yêu...? Chẳng lẽ con người lại hết muốn yêu rồi sao? Dù sao, chí ít chúng ta cũng tìm được một cách trả lời chắc chắn là: con người đã ngờ vực tình yêu, hồ nghi trái tim của bạn tình, và có không ít người thà chịu bất hạnh trong cô đơn vò võ còn hơn là phó mặc mình trong vòng tay bất trắc - thiếu nhân ái của bạn tình!
Người đời vẫn bảo: "Tình yêu chỉ có một, còn cái na ná tình yêu thì có rất nhiều”. Ở ta, nạn thích sống độc thân tuy chưa ở mức báo động, nhưng chúng ta cũng gặp không ít những người bị tình yêu bỏ rơi, cũng như không thiếu lời bày tỏ khao khát yêu. Tại sao con người khát yêu như vậy, mà lại thiếu tình yêu như thế? Bởi chính câu hỏi này mà tôi muốn bàn về chủ đề "Yêu hay ngỡ là yêu”.
Để xem xét chủ đề này, chúng ta thử nghĩ: chúng ta có khát một tình yêu đích thực không? Tôi đã gặp rất nhiều người ca thán rằng: “người không yêu ta", "người không chiều chuộng ta”, “người không hết mình với ta"; nhưng tôi ít gặp một lời tâm sự rằng: “tôi yêu người ấy biết nhường nào", “tôi sẵn lòng dâng hiến, sẵn lòng tận tụy vì người ấy...". Có nghĩa là nhiều người khát tình yêu theo lối "Ta được yêu bao nhiêu?" chứ không phải theo cách "ta yêu người thế nào?"
Chúng ta thử hình dung: một chàng si tình vượt hàng ngàn dặm đi tìm bằng được một hình bóng thầm yêu trộm nhớ, chưa rõ nàng có thuận tình hay không, liệu trên chặng đường dài của mình chàng có luôn tự hỏi "gặp nàng sẽ được cái gì?" Không! lúc đó chàng chỉ chăm chắm mỗi một điều "Hãy gặp được nàng cho thỏa nỗi nhớ ? Hãy nhìn thấy nàng cho thỏa con mắt ước ao ? Và hãy để đôi môi được cất lên lời: ta yêu nàng thống khổ nhường nào!”
Tình yêu là vậy? Plautus đã phải thốt lên: "Khốn khổ thay cho kẻ đang yêu!” (How miserable is the men who love!). Khi yêu, chưa cần phải gặp sự hành hạ của những ngang trái, cách trở, mà chỉ cần bị nỗi nhớ nhung dày vò thôi, kẻ yêu đã thất điên bát đảo, bồn chồn đứng ngồi không yên rồi! Nhưng người đang yêu chẳng cần để ý đến những đau khổ hành hạ mình, cũng chẳng cần biết bạn tình có đáp lại thỏa đáng hay không, mà chỉ biết mỗi việc đầu tiên là khơi chảy những nhớ nhung dày vò canh cánh của trái tim mình mong cứu vãn tâm hồn và thể xác khỏi sự úng lụt trầm kha. Nhà phân tâm học E. Fromm có nói: "Tình yêu tiên khởi là sự tặng hiến chứ không phải lãnh nhận". Và cũng theo cách đó, người Phương Tây có câu "bàn tay tặng đóa hồng - tự nó thơm trước".
Tình yêu giống như bàn tay khao khát trao tặng đóa hồng cho bạn tình mà chẳng cần biết mình sẽ được nhận lại hoa gì.
Nhưng có lẽ, theo nhiều người thì đây là cách quan niệm về tình yêu quá cổ lỗ rồi. Tình yêu thời thượng, theo cách nói của Rivarol là: "Tình yêu nảy nở giữa hai kẻ cùng đòi hỏi một khoái lạc". Đây có lẽ cũng là lời tuyên xưng đại trà cho tình yêu của thời công nghệ - một cách giản lược ý nghĩ của tình yêu vào khuôn khổ của đam mê, nhờ nó mà người ta dễ dàng tận hưởng ái tình: người ta rủ nhau, quấn quít nhau, nồng ái với nhau, gặt hái vội vàng nhưng khoái lạc trên cánh đồng da thịt. Nhưng cái gì xảy ra đã xảy ra. Hàng triệu - triệu người trên thế giới xa lánh tình yêu để sống cô đơn. Người ta đổ tội cho nhau phụ bạc; kết tội bạn tình là thả lưới - nào đánh lưới hờ, lưới giăng, lưới chụp, lưới quét; người ta dẫn nhau ra tòa buộc tội quấy rối tình dục chỉ vì nghi ngại một ánh mắt, một lời nói vu vơ... không khí nghi kỵ nhau dâng lên tột đỉnh, và thế là người ta đóng cửa trái tim mình để tìm kiếm một sự an toàn trong cô đơn. Đó cũng là kết quả khá tất yếu, bởi lẽ, trong đam mê người ta chỉ tận hưởng chứ không tận hiến.
Tình yêu ít ra phải có những phẩm chất để vượt qua những thử thách của nó. Có một câu nói rất nổi tiếng về các phép thử tình cảm là: "Xa để thử lòng trung, gần để thử lòng kính, giao việc gấp để thử lòng tin”. Chúng ta hãy nghiệm vào tình yêu của mình;
Xa cách: Với tình yêu - xa cách sẽ thử lòng chung thuỷ; nhưng đam mê sẽ nói rằng - xa cách ư, thế là ta mất một khoái lạc rồi ? Ồ, bây giờ biết tìm chỗ nào thay thế đây ?
Ở gần: Với tình yêu - tâm hồn luôn trân trọng và gìn giữ cho bạn tình luôn được đối xử trong tình thân ái; còn đam mê sẽ nói rằng - ăn mãi một món mới ngấy làm sao! Và bạn tình ngày càng bị đối xử thất lễ .
Việc gấp: Tình yêu nhảy vào lửa không chút do dự mong được tận hiến lòng mình; còn đam mê sẽ nói - đó đâu phải là sân diễn của ta, ta chỉ quen phiêu lưu trong khoái lạc, chứ đâu có quen xông pha nguy hiểm.
Qua các phép thử có tính chân lý đó, chúng ta hẳn sẽ nhận biết rằng: đam mê khác hẳn tình yêu. Đam mê nhỏ bé, thời vụ, được chăng hay chớ, và không thể được coi là thứ tình yêu thời thượng của thời đại mới. Và khi chúng ta khước từ ý nghĩa về một tình yêu nông cạn như vậy, chúng ta sẽ khởi đầu cải thiện một tình yêu mang ý nghĩa toàn thể của con người. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta sẽ dè bỉu chê bai những đam mê của mình, trái lại chúng ta sẽ tôn vinh đam mê theo một ý nghĩa cao quí hơn - một đam mê không phải là chiếc đấu đong đầy chính nó, mà sẽ là con đường đưa cuộc sống của con người lên chót vót đỉnh say mê. Một đam mê như thi sĩ Whitman cho rằng: "Cuộc sống đích thực của giác quan tôi siêu thăng giác quan và xác thịt tôi".
Để kết thúc, và nhận biết thêm tình yêu là gì, tôi xin dẫn lời của Thomas Middleton:
Tình luôn ốm đau nhưng còn chưa chết
Tình luôn chân thành nhưng vẫn dối quanh
Tình dịu ngọt lúc đắm đuối, điên rồ khi giận dữ
Tình thật sự là tất cả, nhưng cũng thật sự chẳng là gì cả.
Trước tình yêu, con người luôn đứng trước hạnh phúc và đau khổ, còn hay mất, thần thánh hay ác quỷ. Đó cũng là cuộc lựa chọn tình yêu của chúng ta, và cũng là con đường của con tim chúng ta giành lấy TÌNH YÊU.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét