Là những bữa cuối tuần, con tong tả chạy từ cơ quan về nhà với má. Lúc mới ra trường, con đi làm ở cơ quan chỉ cách nhà mình hơn 30 cây số, nên hầu như cuối tuần nào, con cũng nôn nao. Và hầu như, cuối tuần nào ở nhà, má cũng trông đợi con về.
Thường, con đến được nhà vào những lúc đã nhá nhem. Xe chưa tới cửa, con đã gọi má ơi. Tức thì nghe giọng má êm êm lên từ trong nhà. Cái giọng êm êm ấy, không tránh được sự vui mừng ở trong má.
Nhưng hạnh phúc nhất với con là những bữa cơm muộn của tối cuối tuần, với má. Má thết đãi con toàn bằng những món con yêu thích. Má nấu ăn không ngon lắm, nhưng khi ăn món má nấu, con thấy cả một trời hương quê vị đồng, cả một trời tuổi thơ của con nằm hết ở đây. Con thấy những bữa con lặn lội ngoài đê hái rau, câu cá. Thấy cả những bữa, con chờ má mang trái ổi sẻ, trái dưa leo xanh bỏ trong chiếc túi áo bà ba từ ngoài ruộng về làm …quà cho con. Bữa cơm với má còn được nghe chuyện bà con xóm làng, câu chuyện có thể bắt qua cái chợ quê gần nhà mà má thường đi, bắt qua luôn chuyện mấy đứa bạn thời học sinh của con, đứa nào lấy chồng, đứa nào có con, đứa nào vẫn con lang thang, giờ làm ăn sinh sống ở đó ra sao.
Nghe những câu chuyện này, có khi con thích thú lắm. Nhưng cũng có khi, tâm trạng con không ổn, do công việc hoặc những quan hệ phức tạp trong suốt tuần đã mang lại cho con, nên có lúc, con đã không muốn nghe mà ngắt ngang lời má. Má ngừng, vẻ hối hận vì đã làm cho con bực mình, thêm cái vẻ hối hận vì má không chia sẻ được những bận rộn trong vẻ mặt cau gắt của con. Má chỉ còn cách là gắp thức ăn cho con, rồi nói lơ qua chuyện dạo này con ốm quá, vậy thôi. Hành động của má luôn làm con chùng lòng, muốn khóc tại đó, nhưng vẫn cố giữ vẻ cứng cỏi ngang ngạnh, dù chẳng hiểu để làm gì.
Sau những sự việc này xảy ra, con luôn ân hận. Cuộc sống của con khác má quá, con đi nhiều nơi, gặp nhiều người, biết nhiều thứ. Má chỉ lui cui một mình, trong ngôi nhà vắng. Những câu chuyện của con, nếu có kể, má thấy sẽ không thuộc về má. Và má, sẽ loay hoay day dứt là không biết làm sao để gần con hơn, hiểu con hơn.
Vậy nên, xa má, cái con nhớ nhất và thèm nhất là mấy bữa cơm nhà. Công việc không cố định thời gian đã làm con gần như không bao giờ có được bữa cơm gia đình với má nữa. Khi chuyển công tác xa hơn, chuyện gặp má, được ăn thức ăn má nấu, được nghe chuyện má kể lại càng xa vời. Sau công việc, những trưa, những tối lê ra quán, con mới sực nhớ ra mình cần gì. Cơm hàng cháo chợ có ngon đến đâu, vẫn thấy thiêu thiếu. Bởi không có gì hồ hởi ở chỗ ngồi ăn. Không có ai để chia sẻ hay than vãn. Không có ai để những bữa ăn ngắn ngủi, vừa ăn vừa nghe chuyện nọ xọ chuyện kia, không có ai nhắc ăn thêm cơm, canh còn lênh láng nước cũng không ai nhắc húp thêm 1 chén nữa cho mát...
Ngồi ăn một mình, thấy tất cả mấy món ăn sao món nào cũng giống y chang nhau hết. Không mùi vị gì, không đặc sắc gì. Nên tủi thân muốn chết khi mỗi trưa, thấy bạn đem cơm nhà, dù cơm canh tới trưa bày ra đã nguội, nhưng đó là cơm: ba mình nấu, mẹ mình nấu...chỉ nghe vậy, mà mình mường tượng ra, không khí ở nhà của bạn sao mà rộn ràng và ấm áp.
Vậy nên, giờ thì thấy thèm quá một bữa cơm muộn như xưa, với má. Chỉ để bình yên, hay chỉ để thấy mình đừng tan đi, trong biển đời xuôi ngược.
Nhưng sự thật là khi xa nhà để đi học mới biết được bữa cơm gia đình nó đầm ấm biết dường nào. Mỗi khi mình về nhà, mình luôn chờ cho Bố Mẹ đi làm về rồi cùng ngồi ăn với Bố Mẹ. Quả thật, mỗi lần về nhà là mỗi lần lại thấy nếp nhăn và màu tóc của Bố Mẹ lại thay đổi. Cảm giác thật lạ, muốn khóc nhưng lại không thể khóc, muốn nói nhưng lại không dám nói. mình chỉ biết cầu nguyện cùng Chúa để Người che chở và gìn giữ Bố Mẹ thui. Hihi.
Trả lờiXóa