Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Bạn thấy gì nơi cuộc sống...


Ánh mắt yêu thương của người mẹ khi thấy con cái trưởng thành, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của đôi uyên ương bước vào nhà thờ, giọt nước mắt đau xót của một người tiễn đưa người thân yêu về cõi vĩnh hằng, sự giận dữ của người cha trước lời nói ngỗ ngược của con trai, sức sống mãnh liệt của người tật nguyền cố vươn lên trong cuộc sống... ta còn thấy gì nữa nơi cuộc sống này?
Nhiều và rất nhiều những điều khác nữa mà ta có thể thấy được từ cuộc sống. Bởi cuộc sống là một bức tranh tâm hồn của riêng mỗi người. Nó được vẽ lên từ những nét ngắn, dài, thẳng, cong, đậm, nhạt hay những nét đứt đoạn khác nhau. Được kết hợp từ những mảng màu tối sáng đối lập nhau, từ những góc nhìn xa, gần hay sự bố trí sắp đặt ánh sáng trong bức tranh ấy... Tuỳ theo trường phái hội hoạ, cách cảm nhận của từng người mà có một bức tranh khác nhau cho riêng mình.
Là thế, mỗi bức tranh đều có ý nghĩa và giá trị của nó. Cuộc sống cũng vậy. Nó cho ta thấy nỗi đau, hạnh phúc, niềm vui, trở ngại, sự muộn phiền lo lắng... cùng ti tỉ cảm xúc khác nữa đối lập nhau tồn tại trong một con người. Có khi thấy mình đầy sức sống, mạnh mẽ để vượt lên mọi trở ngại, ấy vậy mà cũng có lúc lại thấy mình hoang mang, chới với cho nỗi đau và sự mất mát của hiện tại.


Cuộc sống là một chuyến đi xa mà hành trang là những trải nghiệm. Từ niềm vui đến nỗi buồn, từ thất bại đến thành công, từ hy vọng mãnh liệt đến tuyệt vọng không lối thoát, từ hạnh phúc tột cùng đến đau đớn vô tận, từ giận dữ đến tha thứ... Ừ! Vậy đấy, tất cả như luôn đối lập nhau nhưng đều cần thiết và quan trọng ngang nhau. Ai đó từng nói: "Trái không những cần ánh nắng mà cần cả đêm lạnh và mưa rào để làm nó chín". Cuộc đời cũng thế! Hãy nhìn thấy giá trị và ý nghĩa của những gì ta đang trải qua, vì đâu phải lúc nào ta cũng đứng trên đỉnh cao chiến thắng nhưng cũng không phải mãi mãi thất bại hay bế tắc hoàn toàn.
Đối mặt với tất cả những gì cuộc sống mang đến cho mình, rồi hãy chấp nhận những yếu đuối mong manh, những thiếu sót rất đỗi hiển nhiên trong một con người. Để tha thứ cho chính mình cũng như những ai mang đến nỗi đau và sự tổn thương đến cho bạn, đừng so sánh giá trị của mình với ai đó vì chúng ta được sinh ra với những giá trị khác nhau.
Có một câu chuyện kể rằng: Một nhà diễn thuyết nổi tiếng bắt đầu cuộc hội thảo bằng việc cầm tờ giấy bạc 20 USD, giơ lên trong căn phòng có khoảng 200 cử tỏa, rồi cất tiếng hỏi: "Có ai muốn sở hữu tờ giấy bạc 20 USD này không?", nhiều cánh tay đồng loạt giơ lên.
Ông tiếp tục: "Tôi sẽ cho một người trong các bạn tờ 20 USD này. Nhưng trước hết hãy để tôi làm một điều". Ông vo tròn và vò tờ tiền trở nên nhăn nhúm rồi cất tiếng hỏi lại: "Ai vẫn còn mong muốn tờ giấy bạc này?", vẫn còn nhiều cánh tay đưa lên cao. Nhà diễn thuyết lặp lại, "vậy nếu tôi làm như thế này!" và quăng tờ tiền rớt xuống đất, rồi bắt đầu dùng chân chà đạp lên tờ giấy với mũi giày của mình. Xong xuôi ông nhặt lên. Tờ tiền giờ đã nhàu nát và dơ bẩn. Ông cất tiếng hỏi: "Bây giờ còn ai muốn tờ giấy bạc này nữa không?", vẫn có nhiều cánh tay đồng loạt giơ lên cao.
Người thuyết trình nói: "Thưa các bạn, chúng ta học một bài học rất giá trị. Cho dù tôi có làm bất cứ điều gì với tờ 20 USD này đi chăng nữa, các bạn vẫn muốn lấy nó. Bởi vì nó không bị giảm mất giá trị, nó vẫn còn nguyên giá trị 20 USD".
Thế đấy! Có lúc trong cuộc sống này chúng ta cũng giống như tờ 20 USD ấy. Bị vo tròn nhăn nhúm, bị quăng xuống đất và chà đạp với một mũi giày nhơ bẩn... Nhưng nếu chúng ta biết cách vươn lên từng ngày, biết khát khao những giá trị đích thực của cuộc đời thì giá trị của chúng ta không bao giờ thay đổi.
Hơn bao giờ hết, chính chúng ta là những trải nghiệm, những bài học, thử thách, trở ngại, những thất bại, nỗi đau và những tổn thương sống động nhất để người khác có thể nhìn vào và rút ra bài học cho chính mình. Vậy đừng bao giờ nghĩ rằng bạn không có giá trị gì hay sợ mất giá trị trong mắt người khác. Mọi người sẽ chấp nhận bạn với tất cả những ưu khuyết điểm, bởi không ai là hoàn hảo và chính họ cũng thế.
Quá trình hoàn thiện bản thân là sự can đảm nhìn nhận lỗi lầm, thiếu sót của mình bằng một thái độ tích cực để thay đổi. Bạn cảm thấy bị tổn thương khi nhận lấy những lời chỉ trích phê bình? Có nhất thiết phải thế? Hãy nghĩ rằng nó giống như việc bạn ăn một món gỏi và cần phải có vị cay nồng để làm món gỏi ngon hơn. Đừng nghĩ lời chỉ trích phê bình hay lời khen ngợi có thể làm bạn chết sớm đi hoặc sống lâu hơn.
Thay đổi cũng giống như việc bạn học cách thích nghi và tuân theo quy luật cuộc sống. Bạn không thể leo núi với đôi giày cao gót, tắm biển với một bộ đầm dạ hội, dự tiệc với một bộ đồ ngủ, đá banh với một đôi giày trượt tuyết... cũng như bạn sinh ra với tuổi trẻ, sống rồi trưởng thành đến lúc già đi rồi lại trở về với cát bụi.[right][i]Nguồn từ: Tra Sua Vn | http://trasua.vn/[/i][/right]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét