Tìm hy vọng trong......vô vọng
"Là con chiên của Chúa, những lời răn dạy của Người con luôn ghi nhớ và cố gắng học thật giỏi để có thể trở thành luật sư". Nhưng khi chỉ còn 1 tháng nữa con sẽ được cầm chắc tấm bằng tốt nghiệp loại ưu thì căn bệnh ung thư xương cản bước con. Đau đớn, vật vã không biết bao ngày, nhưng con vẫn gượng sống vì tin rằng Giáng sinh này người sẽ mang theo những tia nắng ấm áp sưởi ấm khắp mọi nơi...".
Thấy con vào, chị Thành ở Kim Bảng - Hà Nam vội cất quyển nhật ký rồi quay sang kéo tôi ra hành lang. Đưa tay lau những giọt nước mắt đọng đầy trên hõm má, chị thổn thức: "Qua quyển nhật ký đó tôi mới biết suy nghĩ và mong muốn của con để bù đắp phần nào giúp nó chống chọi với cơn đau vật vã của căn bệnh ung thư xương".
Với đồng lương công nhân ở Công ty Cổ phần Kim Bằng của hai vợ chồng, kinh tế không mấy dư dật nhưng không khí trong nhà không lúc nào vắng tiếng cười. Nhìn vào ai cũng ngưỡng mộ và mừng cho chị nhất là cô con gái cả tên Mỹ Hạnh học giỏi. "Nhà không có ai theo đạo, nhưng Mỹ Hạnh rất tin có chúa và hay giúp đỡ người khác. Lúc nhỏ thấy người ăn xin qua đường nó gọi vào nhà dọn cơm cho ăn, lúc về không quên xúc cho mấy bát gạo".
Với mong muốn trở thành luật sư, Mỹ Hạnh đăng ký vào trường Đại học Luật Hà Nội. Biết ý định của con, bố mẹ Hạnh ra sức phản đối vì ngành Luật rất khó kiếm việc và với sức học của Hạnh có rất nhiều cơ hội học những ngành có triển vọng hơn. Bất chấp sự phản đối của bố mẹ, Hạnh vẫn quyết tâm thi vào trường Luật với hy vọng sẽ giúp những người dân nghèo đòi được công bằng. Chưa tốt nghiệp, nhưng trong làng có việc liên quan đến luật đều gọi Hạnh về. Chưa có bằng nên Hạnh không thể trực tiếp đứng ra bảo vệ, nhưng những tư vấn của Hạnh đã giúp nhiều người dân đòi được sự công bằng.
Hoàn thành thực tập, Hạnh được về làm việc tại một văn phòng Luật có tiếng ở Hà Nội. Ngỡ cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua và ước mơ sẽ thành hiện thực. Nhưng bệnh ung thư xương đã lấy đi sức khoẻ, ước mơ, nụ cười của Hạnh. Mấy lần về quê thấy con kêu đau nhức ở khớp, nghĩ do ngồi học nhiều nên bị mỏi, lấy dầu xoa bóp thấy đỡ. Nhưng về sau con kêu đau, mặt xám xanh, đi viện khám mới biết con bị K xương.
Trong suốt 2 năm qua, 1 tháng 2 lần có khi 3-4 lần hai mẹ con đưa nhau lên viện K. Tay phải của Hạnh đã bị tháo nhưng căn bệnh K xương vẫn âm ỉ bào mòn thân thể em. Bỏ chiếc mũ Ông già Noel, Hạnh nhoẻn cười bảo, bị mất 1 tay vẫn làm luật sư được chị nhỉ... Nghe con nói mẹ em không kìm được nước mắt vội chạy ra ngoài khóc cho vơi nỗi đau.
( Hạnh là thành viên của nhóm sinh viên Công Giáo Hà Nam, Hạnh đã tham gia cùng nhóm Hà Nam tiếp sức cho các em đến trường trong suốt những tháng ngày mà Hạnh làm Sinh Viên trường Luật)
Căn phòng rộng 20m2 ở khoa Nhi Ung bướu luôn trong tình trạng quá tải. Có những đứa trẻ vừa chào đời chưa kịp cất tiếng gọi mẹ, bố thì đã mắc căn bệnh K võng mạc, K máu... Đằng sau những cơn đau vật vã là những giọt nước mắt, nỗi đau không gì khỏa lấp của những người mẹ, người cha.
Bằng chất giọng lơ lớ nửa Kinh nửa dân tộc Thái, chị Đinh Thị Quân kêu thất thanh "...con...đau". Hai mươi hai tuổi chị làm mẹ của hai đứa trẻ, đứa lớn 7 tuổi, đứa lớn là Đinh Văn Hạ 2 tuổi bị K võng mạc. Ở bản Xập Việt, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, Sơn La quê chị, làm mẹ khi mới 16 tuổi như chị là lẽ thường. Học chưa thuộc hết mặt chữ chị bỏ lớp ở nhà làm nương nên nghe con khóc, mắt sưng đỏ chị nghĩ là bị con ma rừng quấy. Nhờ thầy mo cũng làm phép, con khóc vẫn không dứt chị đành đưa con đi khám. "Mắt phải của cháu bị khoét, mắt trái lúc nhìn được lúc không, cuộc sống giờ chỉ tính theo ngày thôi. Nó còn nhỏ thế, cuộc sống sao chỉ tính theo ngày?".
Giáng sinh về, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết đến ai cũng háo hức mong xum họp gia đình. Nhưng khi bản nhạc Merry Christmas (Chúc mừng giáng sinh) vang lên, anh Nguyễn Thiên Khởi lại ôm con khóc nức nở. "Là bố ai chẳng mong con mình lớn lên, nhưng tôi chỉ ước sao cháu cứ mãi 4 tuổi".
Qua cuộc trò chuyện với y tá Thanh được biết gia cảnh nhà anh gặp rất nhiều khó khăn. Cả hai vợ chồng chỉ trông vào 3 sào ruộng, nhưng phải nuôi bố mẹ già và 3 đứa con. Bố anh tham gia kháng chiến may mắn trở về, nhưng bị nhiễm chất độc màu da cam, càng về già bệnh càng phát nặng. Ba đứa con anh ốm đau liên miên, thay phiên nhau đi viện.
Bé Nguyễn Thiện Nam mới 2 tuổi đã bị mắc bệnh K máu. "Suốt từ năm 2006 đến nay, hai bố con đưa nhau đi viện. Tiền viện phí vẫn được nhà nước trợ cấp, nhưng tiền đi lại và sinh hoạt cho 2 bố con trong 2 năm không ít. Trong nhà những thứ gì bán được đã bán, sang năm cháu tròn 5 tuổi không được trợ cấp nữa, chắc phải bán nhà để chữa bệnh cho con".
4 giờ chiều gió thổi khiến cái lạnh ngày Giáng sinh buốt thấu xương, ngoài đường dòng người đỏ ra phố mỗi lúc một đông. Xa xa tiếng chuông nhà thờ vang lên mang theo lời nguyện của những người mẹ, cha có con mang bạo bệnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét